CHÚNG TA LÀ ANH EM TỐT

Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2021

Đại Cathay Sinh Ra Để Làm Trùm Của Những Thằng Trùm (Phần 1)

 Nếu ai có theo dõi vụ án của Năm Cam thì chắc không ngạc nhiên khi nghe đến tên Đại Cathay, đại ca của Lâm 9 Ngón, kẻ đã bị nữ quái Dung Hà tạt axít.  Đại Cathay trên báo thực sự gây ấn tượng bởi vẻ điển trai cũng như nụ cười nhếch khóe môi của kẻ sinh ra để làm Trùm của những ông trùm này.


Đại Cathay và vợ

Ngày ấy ở Sài Gòn, danh tiếng của người đứng đầu Tứ Đại Thiên Vương là Đại Cathay được cả miền Nam đều biết tiếng, nhất là sau này qua cuốn tiểu thuyết của nhà văn Duyên Anh, Điệu Ru Nước Mắt. Trận hỗn chiến giữa Đại Cathay với Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái, Nguyễn Kế Thế đã đưa Đại lên đứng đầu nhóm này. Trận chiến kinh hồn với băng đảng người Tàu của Tín Mã Nàm đã cho Đại Cathay lập nên một đế chế mà khắp Sài Gòn chẳng có một băng nhóm nào dám đối đầu.

Ngay cả đám du đãng cộm cán, đám đàn em tin cẩn cũng không ai biết hắn con ai, tên thật là gì. Chính Đại Cathay cũng không biết tên thật của mình nốt. Hơn chục lần bị điệu về bót cảnh sát, Đại tự khai cho mình hơn chục lai lịch khác nhau. Theo đó, cha của hắn lúc là Lên Văn Cự, lúc lại là Trần Văn Trự, Mẹ của Đại Cathay cũng khá nhiều tên, lúc là Hương, lúc là Duyên, sống hay chết thì có trời mà biết. Nói tóm lại, như Đại Cathay thường tự nhận, gã là một thằng con trời có lẽ xuôi tai hơn cả.

Kỳ thực, Đại tuổi Thìn, sinh năm 1940. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mẹ của Đại tên gì không rõ, chỉ biết người xung quanh thường gọi là bà Sáu. Còn cha Đại thì chính tên là Lê Văn Cự, vốn cũng là một tay du đãng hảo hớn ở khu vực chợ Cầu Muối. Sau năm 1945, Hai Cự tham gia kháng chiến, trở thành lính của Mười ban tự vệ công tác thành, sau đó bỏ vào chiến khu rừng Sác đầu quân vào bộ đội Bình Xuyên của thủ lĩnh Ba Dương tức Dương Văn Dương. Đại sinh ra giống cha như đúc nhưng tuổi thơ rất ít được gần cha. Thuở nhỏ, gã sống với cha mẹ ở đường Đỗ Thành Nhân, Khánh Hội, Quận 4. Cả cha lẫn mẹ của hắn đều nghèo làm nghể chẻ củi thuê cho một vựa củi nằm bên kia Cầu Mống, cạnh chợ cũ, Quận 1. Đại thường xuyên trốn học chạy sang chơi vơi đám trẻ con bụi đời cạnh vựa củi. Hiền lành, ít nói, dù khuôn mặt rất ngầu, tính phóng khoáng, lại rất lì đòn, những đức tính được thừa kế đầy đủ từ cha đã giúp Đại nhanh chóng được đám trẻ đồng cảnh mến mộ. Mới 10 tuổi, gã đã thường xuyên luồn lách vào các chợ, sạp hàng xung quanh, ăn trộm dưa, chuối về chia cho chúng bạn.

Sau 1945 cha Đại tham gia kháng chiến và bị bắt vào cuối năm 1946, bị đày ra Côn Đảo và ít lâu sau thì chết. Cha mất, mẹ lấy chồng khác. Bố dượng là 1 tay máu me cờ bạc, lại ghiền thuốc phiện nặng nên gia sản dần dần biến hết. Giận dỗi vì sinh kế, ông dượng thường nọc đứa con riêng của vợ ra hành hạ để hả cơn bực tức. Không chịu nổi, Đại bỏ học hẳn, sang vườn bông Cầu Mống đánh giầy, bán báo tự nuôi thân. Khu vực làm ăn của Đại là xung quanh ngã tư Công Lý nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Nguyễn Công Trứ tại đó có 1 rạp chiếu phim tên là Cathay. Không ngày nào trước cửa rạp hát không xảy ra những vụ đánh lộn giành khách giữa đám trẻ bụi đời. Lì lợm và liều lĩnh, Đại cứ lăn xả vào đối thủ liên tục tấn công, dù kẻ đó có cao hơn nửa cái đầu cũng mặc. Trăm lần như một, Đại luôn là kẻ chiến thắng, dù tay chân mặt mũi đầy vết rách bầm. Nghiễm nhiên, hắn trở thành thủ lãnh của đám nhóc tì du thủ du thực trong khu vực. Cũng nghiễm nhiên, gã được quyền ráp thêm tên đất vào sau tên cúng cơm để trở thành Đại Cathay, đại ca đường Nguyễn Công Trứ. Đó là năm 1954 lúc Đại mới 14 tuồi.

Trở thành du đãng, Đại được quyền sống mà không mó tay vào bất cứ việc gì. Hắn vẫn đóng thùng đánh giày, nhưng là để giao cho đàn em đi làm mang tiền về nộp. Mỗi buổi sáng, hàng chục thiếu niên Ba Binh, Ba Tướng, Ba Gà hỗn danh để gọi đám trẻ du đãng chưa có tên tuổi. Ba Binh là quân sư, Ba Tướng là những thằng trực tiếp đi đánh nhau còn Ba Gà là những tên thuyết khách cả trai lẫn gái tụ tập quanh Đại Cathay nhận công việc và địa bàn do hắn cắt cử, sau đó túa đi, chiều lại đem tiền về cho Đại. Được cái, hắn rất hào phóng, Đại Cathay chia hết tiền cho đàn em, chỉ giữ lại cho mình 1 khoản nhỏ, đủ cà phê, thuốc lá cho ngày kế tiếp. Những đàn em không may bị ế, báo bị mưa ướt, thuốc, kẹo phải đền tiền, Đại Cathay cũng không chửi bới, đánh đập như những tên chăn chíp tham lam khác mà còn lấy của đứa trúng mánh cho thêm. Vì vậy, đàn em rất khoái và chịu nghe lời anh Đại. Tình trạng đánh lộn, tranh giành khách trong khu vực của Đại Cathay được dẹp yên.

Nằm ngay cạnh khu vực của Đại Cathay là bót cảnh sát quận Nhì thường được gọi là bót Dân Sinh, nổi tiếng dữ dằn. Rất nhiều lần, sau khi dẫn đàn em đi chinh phạt các khu vực khác hoặc đánh dằn mặt người của các băng nhóm đến giành lãnh địa, Đại Cathay đã bị các ông cò bót quận Nhì xách tai lôi về bót. Hăm dọa, tát tai, đá đít đủ kiểu, thằng nhóc vẫn trơ trơ không chịu khai tên tuổi những đàn em tham gia ẩu đả, cảnh sát lại đành thả Đại về. Hết thuốc, các ông cò nảy ra đòn độc để trị Đại Cathay, bắt đàn em của đại đứng coi. Chúng bắt thằng nhóc quỳ giữa sàn nhà, hai ông cò hai bên xốc ngược tay Đại lên, cạy mồm, thả vào một con gián sống. Con vật lập tức chui tọt vào cổ họng lao thẳng xuống dạ dày. Ngứa ngáy, kinh tởm và nhột không chịu được, Đại Cathay ói ra mật xanh, mật vàng. Đám Ba Binh, Ba Tướng xung quanh lè mắt, có đứa hét lên ngất xỉu và đái ra quần. Đại Cathay, sau một hồi ói mửa, bắt đầu trấn tĩnh, lại tiếp tục câm như hến, tuyệt đối không khai. Không còn cách nào khác, các thầy cảnh sát đành tống Đại Cathay vào trại tế bần hoặc Trại giáo hóa thiếu nhi phạm pháp ở Thủ Đức.

Ở miền Nam trước năm 1975, có bốn nơi được coi là lò đào tạo du đãng. Nơi thứ nhất là Trại nuôi dạy trẻ mồ côi, cơ sở nằm tại địa điểm nhà hát Hòa Bình hiện nay. Nơi thứ hai, Làng cô nhi Thủ Đức, điều kiện sống khá hơn nhưng vẫn rất lỏng lẻo, tha hồ cho đám tiểu yêu phá phách. Những tên nhóc bất trị nhất, hai trại trên đều không chứa nổi thường bị cảnh sát lùa vào Trại giáo hóa Thủ Đức. Thực chất, đây chỉ là nơi nuôi đám du thủ du thực, chờ chúng đủ tuổi là đẩy vào quân đội. Nơi thứ tư, Trại Tế Bần nằm bên kia cầu Trình Minh Thế nay là cầu Tân Thuận là một Trạm trung chuyển giam giữ những tên lưu manh sắp hết tuổi vị thành niên. Sau nửa tháng bị giam, nếu có người nhà bảo lãnh, đóng phạt, tên tiểu yêu sẽ được cho ra. Nếu không chúng sẽ bị nhốt lại, chờ đủ tuổi là tống vào đội quân cưỡng bức phục vụ tức lao công phục vụ chiến trường. Kẻ nào bị liệt vào hạng này coi như cầm chắc cái chết. Ngoài mặt trận, việc của họ là đi trước phát cây, mở đường, đào công sự, mặc kệ mưa đạn trước mặt lẫn sau lưng. Biết trước số phận bia thịt của mình nên đám du đãng vào trại tế bần chưa ấm chỗ đã tìm cách trốn. Lọt ra khỏi vòng rào các trại, đám nhóc lại lần về với các băng nhóm du đãng, bụi đời.
còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét