Ông mũ trắng”, “cậu mũ trắng”… ấy là những hỗn danh mà anh em bè bạn và ngay cả đám giang hồ cộm cán thường gọi khi nhắc tới ông, đại tá Nguyễn Trường Tam, nguyên Phó trưởng Phòng cảnh sát truy nã tội phạm Công an TP Hải Phòng.
Nhắc tới “lính” hình sự Hải Phòng thì mọi người thường nhớ tới những chiến công trấn áp tội phạm oai hùng của Đội H.88, đội săn bắt lưu manh lừng lẫy một thuở.
Thời ấy, những Lâm “già”, Cu Nên, Cu Lý, Dung “Hà”, Mạnh “bí”, Hà “đen”… bởi sự can trường, dũng cảm của H.88 đều đã phải đền tội ác.
Thời ấy, ông là đội trưởng của biệt đội anh hùng này.
Cả đời bắt cướp nhưng chỉ 3 lần nổ súng
Tôi may mắn được nhiều lần tiếp xúc với lính hình sự Hải Phòng, tuy nhiên, gặp ông thì rất ít. Công việc khiến ông chẳng mấy khi có mặt ở “đại bản doanh”.
Lần này, nghe ông đã nhận “sổ hưu”, đã thôi những tất bật với nghề nên tôi vội vã tìm về.
Khi chưa gặp thì thấy ông có khối chuyện để viết, gặp rồi thì lúng túng bởi chuyện nào ông kể cũng hấp dẫn hệt như phim hành động kịch tính, li kỳ.
Không mê tín nhưng giờ “tổng kết sổ đời”, ông bảo, ông tin vào lá bài số phận. Số phận đã đưa ông đến với nghề hình sự và số phận đã che chở, bao bọc để ông đi hết con đường mình đã chọn.
“Nhiều lần đánh án, thấy lạ là mình giữ được mạng sống, vẫn được bình an trở về”, ông nói bằng giọng bồi hồi.
Ông tên Tam, mấy chục năm xông pha trấn áp tội phạm, toàn những kẻ sừng sỏ, số má nhưng thật trùng hợp là chỉ đúng 3 lần ông phải nổ súng để bắt cái ác cúi đầu.
Lần đầu tiên, vào năm 1984, khi ông nổ súng chỉ thiên để bắt một trên trộm trốn nã.
Lần thứ hai khẩu súng của ông phát hỏa là trong một lần phối hợp với các đồng đội bắt bạc ở Thủy Nguyên.
Lần thứ ba thì như phim hành động. Ông bảo, đến giờ ông vẫn nhớ như in từng tình tiết trong vụ nổ súng ấy.
Lần đó, chừng năm 1989, khi ông cùng đồng đội vây bắt hai tên cướp khét tiếng Trung “Lập”, Hùng “gấu”.
Thời gian ấy, H.88 vừa mới ra đời với nhiệm vụ trấn áp những băng nhóm tội phạm sừng sỏ. Hùng “gấu” là người Hà Nội, Trung “Lập” thì cũng là tên tội phạm cộm cán ở đất Hải Phòng.
Hợp tác với nhau, hai tên này đã gây rất nhiều vụ cướp, giết táo tợn ở Hà Nội cũng như các địa bàn lân cận. Khi bị truy bắt gắt gao, Hùng “gấu” đã theo chân Trung “Lập” dạt về đất Cảng để tìm cửa “làm ăn”.
Chính bởi sự hung hãn của toán cướp này mà lực lượng chức năng đã được phép tiêu diệt nếu khi vây bắt chúng ngoan cố chống trả.
Bủa vây hai tên cướp tử thủ trong nhà vãi đạn ra như trấu
Đại tá Nguyễn Trường Tam kể, chiều hôm đó, bởi con nhỏ, vợ đi làm vắng nên ông tranh thủ về sớm để chuẩn bị bữa tối. Khi đang nấu dở nồi cơm thì ông được cấp trên cho người vào gọi lên cơ quan gấp.
Gửi con nhà hàng xóm, ông vội vàng chạy lên nhiệm sở. Tới nơi, cấp trên bảo, Công an Hà Nội xuống đề nghị phối hợp bắt hai tên cướp khét tiếng mà họ săn lùng đã lâu.
Nhận lệnh từ cấp trên, ông tức tốc xuống hiện trường. Theo đó, bị đuổi bắt, Trung “Lập” và Hùng “gấu” đã vọt vào khu tập thể dành cho công nhân ở khu Lán Bè, ngay sát chân cầu Niệm (quận Lê Chân).
Khu nhà ấy nằm ngay sát mép sông Lạch Tray, bị dồn ra đây, hai tên cướp đã quyết tử thủ. Trời nhập nhoạng, cứ khi nghe thấy tiếng động ở hướng nào là chúng vãi đạn như vãi trấu.
Sự liều lĩnh, điên cuồng của hai tên cướp khiến lực lượng truy bắt bối rối dù lệnh tiêu diệt đã có sẵn trong tay. Sở dĩ mọi người chưa dám tiến vào là bởi sợ trong khu nhà còn có người trú ngụ.
Đúng như linh tính của lực lượng truy bắt, qua xác minh, các trinh sát biết tin trong khu nhà còn có một cháu nhỏ 9 tuổi bởi bị ốm mà về nhà sớm hơn thường lệ, vậy là phải tìm cách đưa cháu bé ra.
Khu nhà gồm 16 gian liên thông, khi xác định được gian có cháu bé ở thì giương đông kích tây, lực lượng truy bắt đã giàn quân, bật đèn sáng choang rồi bắn vu vơ để thu hút sự chú ý của hai tên tội phạm.
Khi chúng mải mê đề phòng ở mặt trước thì từ phía sau, một tổ đặc công nước đã bí mật từ sông Lạch Tray trườn vào lặng lẽ quắp cháu bé ra khỏi nơi nguy hiểm.
Đưa được cháu bé ra thì trời đã đen như mực. Lực lượng truy bắt muốn tiến vào khu nhà thì đương nhiên phải sử dụng đèn. Và, cứ khi đèn lóe lên ở chỗ nào thì ngay lập tức trong khu nhà, hai tên cướp lại điên cuồng xả đạn.
Chừng 23 giờ, có lẽ thấy sự bố ráp đến ngột thở của lực lượng truy bắt, không chịu được nhiệt, Hùng “gấu” đã liều mình rời khỏi khu nhà vọt xuống sông.
Đợi khi hắn trôi xa được vài chục mét, qua khỏi tầm đạn của Trung “Lập” thì các trinh sát đã nhào xuống bắt sống.
Nghĩ Trung “Lập” cũng sẽ tìm đường thoát thân nên các trinh sát vẫn kiên trì mai phục rồi dùng loa gọi hàng. Tuy nhiên, không giống chiến hữu của mình, Trung “Lập” đã quyết tử thủ. Hắn liên tiếp vãi đạn đáp trả tiếng loa.
Khi này, đồng hồ đã chỉ 0 giờ. Anh em tham gia truy bắt đều đã thấm mệt và đói khó có thể bám trụ thêm.
“Vào hang bắt cọp”
Không thể tiến vào cũng không thể biết tên cướp nằm ở vị trí nào trong dãy nhà để nổ súng tiêu diệt, đó là bài toán khó với ban chuyên án cùng lực lượng truy bắt thời điểm đó.
Đang lúc tiến thoái lưỡng nan thì ông Nguyễn Văn Kinh, Phó Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Hải Phòng nhận được đề xuất táo bạo của thuộc cấp mình.
Người đưa ra đề xuất bất ngờ trên không ai khác chính là Nguyễn Trường Tam, một cán bộ mưu trí, quả cảm.
“Theo em phải đột kích thôi, chứ cứ thế này thì đêm dài lắm mộng”. “Cậu tính vào kiểu nào và ai vào, nó đang điên lắm!”, vừa chăm chắm hướng mắt vào khu nhà vị chỉ huy vừa hỏi.
“Em vào!”, Nguyễn Trường Tam dõng dạc. “Cậu định vào thế nào, có chắc giữ được an toàn không?”, vị chỉ huy hỏi.
Đại tá Nguyễn Trường Tam kể, khi nghe ông trình bày phương án đột kích, cấp trên của ông đã bớt vẻ căng thẳng đăm chiêu.
Tuy nhiên, tiễn thuộc cấp của mình “xuất trận”, vị chỉ huy ấy đã liên tiếp dặn: “Phải tuyệt đối giữ an toàn đấy nhé, thấy nguy hiểm là phải rút ngay đấy nhé!”.
Theo đại tá Tam, trước khi đưa ra đề nghị táo bạo trên, qua trinh sát, ông tình cờ biết khu nhà trên có một đường hầm nối liền với sông Lạch Tray.
Đại tá Nguyễn Trường Tam kể, phát hiện ra “con đường bí mật” trên nên ông đã quyết định đột kích vào gian nhà qua lối đó.
“Mọi người khuyên tôi mặc giáp nhưng thấy vướng víu nên tôi đã từ chối, tôi chỉ xin mang theo một thanh gậy”, “ông mũ trắng” kể.
Theo đó, trước khi tiến sát khu nhà, ông đã buộc chặt vào đầu gậy một chiếc đèn pin. “Khi vào nhà, bật đèn pin lên, đương nhiên theo phản xạ thì tên cướp sẽ bắn về phía ánh đèn.
Đèn buộc ở đầu gậy thì đạn trúng mình sao được. Nếu có ăn đạn thì cũng chỉ vào tay thôi”, đại tá Tam nói về sáng kiến của mình.
Đúng theo kế hoạch, mặt trước khu nhà, lực lượng truy bắt lại tiếp tục tung hỏa mù. Những ánh đèn lại loe lóe bật lên để thu hút sự chú ý của tên cướp còn phía sau, “gã mũ trắng” cùng mấy chiến sĩ thiện chiến khoác súng lặng lẽ xuống sông.
Áp sát khu nhà, nín thở, dỏng tai nhưng qua gian thứ nhất, rồi thứ hai mũi đột kích vẫn chẳng thấy động tĩnh hay dấu hiệu nào của tên cướp. Chui vào đường hầm, vừa ngoi lên được gian nhà kế tiếp thì thấy có tiếng động nhẹ.
Tuy nhiên, trong nhà tối như hũ nút, chẳng ai biết tiếng động thoáng qua đó phát ra từ đâu. Áp tai vào tường, ông nín thở nghe ngóng. Linh tính mách bảo tên cướp đang ẩn mình trong gian nhà này, ông ra ám hiệu cho đồng đội phía sau chuẩn bị tấn công.
Đưa súng trong tư thế sẵn sàng nhả đạn, ông bất ngờ bật đèn. Đèn vừa lóe lên thì ông thấy có bóng người cách mình vài mét vụt về góc tường đối diện. Theo phản xạ, ông xiết cò súng. Những đồng đội phía sau mang theo tiểu liên AK đồng loạt nhả đạn.
Sau loạt đạn thì khu nhà lại chìm trong tĩnh lặng. Lia đèn khắp các góc nhưng ông vẫn chẳng thấy tên cướp đâu, chỉ thấy ánh nước loang loáng chảy ra từ phía chạn bát.
Tắt đèn trườn vào, quờ tay vào vũng nước rồi đưa lên mũi ngửi. Mùi máu tanh nồng khiến ông rùng mình.
Biết chắc là tên cướp đã dính đạn, ông mừng rỡ bật đèn tìm kiếm. Theo hướng vệt máu, ông thấy tên cướp chết trong tư thế bị ép vào tường, phía sau chạn bát.
Đại tá Nguyễn Trường Tam kể, sau lần nổ súng đó thì nhiều năm sau này, dù đối diện với những tên cướp giết người không gớm tay hay những trùm giang hồ máu lạnh nhưng ông không tiêu tốn thêm một viên đạn nào nữa.
“Mấy lần chỉ cần loạch quạch lên đạn thôi là đã quy hàng được tội phạm rồi”, đại tá Nguyễn Trường Tam cười nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét