Đáng “đao” từng cứu Đại Cathay trong khám Chí Hòa và cũng từng suýt mất mạng trong trận huyết chiến kinh hoàng với ông trùm giang hồ khét tiếng này.
LTS: Nguyễn Văn Đáng, hỗn danh là Đáng "đao", là đầu lĩnh trong băng người nhái của ông trùm Châu Nhị ở Sài Gòn trước năm 1975. Bây giờ về già, cuộc sống của Đáng "đao" có nhiều xa xót.
Đại ca của các ông trùm
Miền Tây hết đất sống, Đáng kéo theo một số đàn em thân tín về Sài Gòn sống dựa vào nghề đâm thuê chém mướn và bảo kê cho các nhà hàng, sòng bạc quanh khu vực cầu Phan Thanh Giản (đầu rạch Nhiêu Lộc).
Bởi mối thù từ trước đó nên Đáng "đao" cùng đám đàn em thường bị băng nhóm của Mã "Khánh Hội" săn lùng. Và, một lần đụng độ với băng nhóm này, Đáng "đao" đã bị bắt.
Với tội danh du đãng và đào ngũ, Đáng "đao" bị đẩy vào khám Chí Hòa, bắt đầu với những ân oán, duyên nợ với Đại Cathay .
Thời gian Đáng "đao" bảo kê khu vực cầu Phan Thanh Giản thì Đại Cathay đã lấy được Chợ Lớn của Tín Mã Nàm.
Theo lời ông Đáng thì thời kỳ đó, trước khi bị Đại Cathay thôn tính, hý trường Đại Thế Giới của Tín Mã Nàm ở khu Chợ Lớn là chốn ăn chơi nổi tiếng từ thời Pháp thuộc.
Trong thời kỳ Ngô Đình Diệm ra lệnh dẹp "tứ đổ tường" (cờ bạc, trai gái, thuốc sái, rượu chè), nhưng bản thân chính quyền Diệm lúc đó lại dựa hơi vào một số nhà thương nhân, tài phiệt khu vực Chợ Lớn, những người chịu sự bảo kê của Tín Mã Nàm.
Tín Mã Nàm có các "cao thủ" Xú Bá Xứng, Bắc Kỳ Chảy và Cọp hộ tống nên một thời gian dài đánh chiếm, Đại Cathay cũng không lấy được Chợ Lớn.
Thế trận chỉ thay đổi khi Tín cướp vợ của đàn em khiến cho nội bộ băng nhóm bị chia rẽ và người chống lưng là chế độ Diệm bị lật đổ.
Ông Đáng kể, giai đoạn 1965 – 1966 là thời cực thịnh của băng Đại Cathay .
Thời đó, mỗi khi ra đường Đại Cathay ngồi trên chiếc xe mà Sài Gòn lúc ấy chỉ có 3 chiếc, còn bọn đàn em phóng mô tô ầm ầm theo sau, khiến cho phố phường phải náo loạn.
Nhưng cũng từ khi Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ thay thế Diệm thì Đại Cathay đã bị sờ gáy. Dù không có những chứng cứ cụ thể để buộc tội, nhưng chính quyền vẫn bắt tống giam Đại Cathay 45 ngày ở trại Chí Hòa.
Là người trong giang hồ nên Đáng "đao" biết danh tiếng của Đại nhưng phải đến khi bị tống vào Chí Hòa mới có duyên gặp mặt. Đáng "đao" bị giam ở phòng 25E khu ED, còn Đại Cathay bị giam ở phòng bên cạnh.
Âm mưu thâm độc
Đáng "đao" kể, đúng chất của một ông vua trong thế giới ngầm chính hiệu, dù trong tù giam nhưng Đại vẫn như những kẻ đang sống nhởn nhơ ở bên ngoài.
Cũng theo lời ông trùm giang hồ này thì trước khi trở thành kẻ đối địch với nhau, ông đã từng cứu mạng Đại Cathay một lần.
Khám Chí Hòa như một "lò bát quái" với 8 biệt khu riêng biệt. Khu ED gồm hai dãy E và D. Dãy E là nơi của những anh chị lưu manh, tù hình sự nổi tiếng hung hãn.
Dãy D là nơi giam giữ chính trị phạm, bộ đội giải phóng và cả những sĩ quan quân đội Ngụy quyền sau ngày đảo chính.
Mưu đồ của cảnh sát khi giam giữ hai đối tượng này với nhau là muốn mượn tay du đãng để đàn áp, bức bách tù chính trị. Đáng "đao" làm tự quản khu E, còn Đại Cathay làm tự quản khu D.
Đại Cathay giao quyền tự quản cho hai tên đàn em là Của Gia Ngọc và Định "heo". Cả dãy E và D chung nhau một hồ nước đặt ở trước khu E.
Để tránh đám lưu manh đánh đập tù chính trị nên nhưng lúc phạm lấy nước, vệ sinh cá nhân thì Đáng "đao" lại khóa cổng khu E lại.
Dù vậy, Đại và hai tên đàn em thường gây hấn với chính trị phạm, khiến cho khu E và khu D luôn trong tình trạng căng thẳng.
Một chiều, Đại Cathay đi hầu tòa về, thay vì vào phòng của mình ngồi, Đại lại lại kêu Ngọc và Định "heo" đi lấy nước cho mình tắm. Trong khi đó, khu hồ nước đang là giờ của chính trị phạm.
Ba tên du đãng chửi bới và đập cả xô nước vào mặt một phạm nhân. Hành động của Đại như giọt nước tràn ly, khiến 100 tù chính trị nổi giận, lao vào đấm đá 3 tên du đãng tơi bời.
Những tên du đãng bị nhốt thấy Đại bị đánh, chúng la hét ầm ĩ, đập thình thình như muốn phá tan song sắt ra để cứu đại ca.
Đáng "đao" chạy đi kêu cảnh sát trại, tuy nhiên bọn chúng đã bỏ mặc không can thiệp vào.
Sợ sẽ có thương vong, Đáng "đao" đành mở cửa ba phòng giam khu E cùng một số du đãng lao vào phá giải vòng vây và đưa Đại cùng 2 tên đàn em ra khỏi vòng vây của nhóm chính trị phạm.
Đại và đàn em được đưa đi viện thì cảnh hỗn loạn giữa hai băng nhóm vẫn chưa dừng lại. Cảnh sát cố tình tung tin, Đại và đàn em đã chết. Bởi tin này mà những tên du đãng như muốn tắm máu chính trị phạm để trả thù cho Đại.
Cảnh sát trại một mặt xúi giục bọn côn đồ một mặt ép ông phải mở cửa hết các phòng giam khu E để du đãng tràn sang khu D với mục đích để tù tự xử tù.
Tuy nhiên, biết âm mưu trên, Đáng "đao" đã không làm theo mệnh lệnh. Và cũng bởi sự chống đối này, Đáng "đao" đã bị chúng nhốt vào biệt khu AH.
Huyết chiến với "tứ đại thiên vương"
Đáng "đao" kể, chuyển sang khu AH của khám Chí Hòa được ít ngày thì ông được Phương "nhái", em rể mình lo lót cho trắng án.
Và, nghe theo lời của người em rể, sau khi ra tù, Đáng "đao" đã gia nhập băng người nhái của ông trùm Châu Nhị và là người cuối cùng trong số 30 người của băng đảng.
Ông Đáng kể, chính quyền Ngụy ngày ấy thường tiếp tay cho những băng đảng của có mối liên hệ mật thiết quân đội và cảnh sát.
Gần như mỗi băng nhóm đều núp bóng của một vị chính khách, các băng đảng này đều nằm trong kế hoạch, mưu đồ chính trị của những người cầm quyền.
Châu Nhị chính là cận vệ, người thân cận của thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ. Cụ thể hơn, băng người nhái chính là những sát thủ được tướng Kỳ tạo ra để trừ khử những kẻ thuộc phe cánh chống đối.
Nhờ băng người nhái mà ông Kỳ đã phần nào đối phó được với những âm mưu đảo chính của một số tướng lĩnh trong quân đội.
So với những băng đảng khác,băng người nhái là ít "quân" nhất. Tuy nhiên, 30 người này đều là những lính tinh nhuệ nhất trong liên đoàn người nhái của quân lực Việt Nam cộng hòa.
Họ đa phần được đưa sang Mỹ huấn luyện và có thẻ đặc biệt của phủ đầu rồng (dinh Độc Lập).
Được tướng Kỳ chống lưng nên băng người nhái khiến cho nhiều tên tuổi có máu mặt trong giang hồ Sài Gòn phải dè chừng.
Dù về băng muộn nhất, nhưng anh em trong băng đảng từng biết đến Đáng "đao" ngày ông trùm này còn ở Long An. Sau một số thành tích, ông được Châu Nhị tin tưởng và trở thành phó tướng.
Ông Đáng kể, nếu "chủ tướng" Châu Nhị và em rể Phương "nhái" chuyên phụ trách những nhiệm vụ đặc biệt theo lệnh của tướng Kỳ thì ông tổ chức việc đâm thuê chém mướn, bảo kê thu "thuế", tổ chức sòng bài, chích hút và điều hành gái mại dâm.
Lúc Đại Cathay còn trong khám Chí Hòa thì băng người nhái đã nhân cơ hội chiếm lấy bến Bạch Đằng, một nửa Chợ Lớn của ông trùm này.
Thực tế, băng của Đại rất ngạo mạn, ngang ngược, nhưng chúng chịu lép vế bởi lúc đó cảnh sát đang tìm mọi chứng cứ để buộc tội Đại.
Mọi hành động coi thường pháp luật của đám đàn em đều có thể gây bất lợi cho ông trùm khi đứng trước vành móng ngựa.
Trong Chí Hòa, biết tin băng đảng người nhái đang lộng hành trên lãnh địa của mình, Đại Cathay đã vô cùng tức giận. Và, ngay sau khi ra khỏi nhà tù, Đại đã trực tiếp chỉ huy đàn em đi đòi lại uy quyền đã mất.
Ông Đáng nhớ lại, vào một đêm giữa tháng 9/1966, một trận "long tranh hổ đấu" bến Bạch Đằng để tranh giành lãnh địa thu thế giữa hai băng nhóm đã xảy ra.
Trong trận chiến này, Đại Cathay đã huy động toàn bộ chiến tướng như Huỳnh Tỳ, Ngô Cái, Kế Thế, Xì "kíp", Lắm "mổ bụng", Hùng "mỏ chuột", Hải "súng" và Lâm "chín ngón" cùng khoảng 30 tên đàn em nai nịt súng ống mở một cuộc xâm chiếm giành lại địa bàn.
Và trong trận huyết chiến này băng người nhái đã thất thế. Đáng "đao", Tầm "nhái", Trọng "bác sĩ" đi tiên phong thì Tầm và Trọng đều trúng đạn chết tức tưởi.
Đáng "đao" cũng bị bắn bị thương ở cánh tay phải. Tình thế đó đã khiến ông trùm Châu Nhị và Phương "nhái" vừa nhả đạn yểm trợ vừa kêu anh em rút lui.
Từ lâu tướng Nguyễn Cao Kỳ đã coi Đại Cathay như cái gai trong mắt, nhất là sau lần gã ngang nhiên khước từ lời mời của ông tướng râu kẽm về phục vụ quốc gia.
Sau này Đại lại còn tranh "nhạn trắng Gò Công" (tức ca sĩ Phương Dung) với tướng Nguyễn Ngọc Loan, giám đốc nha cảnh sát. Từng đó, đủ để băng Cathay hết đường sống.
Cuối năm 1966, Đại bị bắt và đưa ra nhà tù Phú Quốc. Ngày 7/1/1967, báo giới Sài Gòn đồng loạt đưa tin, Đại Cathay và một số chiến hữu bỏ trốn thì mất tích luôn trên biển.
Đại bị diệt, trong giang hồ Sài Gòn lúc đó uy thế nhất là băng người nhái, nhưng cũng chỉ thời gian ngắn sau đó, người nhái cũng bị xóa sổ bới những âm mưu chính trị của giới cầm quyền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét